Sách có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi con người, ở mỗi lứa tuổi, lợi ích từ việc đọc sách mang lại có những điểm khác biệt. Ở lứa tuổi mầm non, hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách bổ ích, lý thú sẽ giúp trẻ hoàn thiện ngôn ngữ, tăng cường vốn giao tiếp, trau dồi tình yêu thương…
Trẻ em được coi là giai đoạn đầu tiên của cuộc đời con người, giai đoạn chuẩn bị các phẩm chất và năng lực cần thiết để tham gia lao động xã hội. Việc tạo dựng thói quen tốt cho trẻ mầm non là một việc làm quan trọng để từ đó hình thành nhân cách cho trẻ em. Một trong những thói quen có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự phát triển tư duy, đạo đức, lối sống, phát triển ngôn ngữ, phát triển năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác... của trẻ em đó là thói quen đọc sách.
* Không gian yêu thích của trẻ
Tất cả các lớp trong trường mầm non Tiên cường đã chú trọng tạo một không gian lý thú cho trẻ đọc sách. Góc đọc sách có thể được thiết kế ngay trong lớp học hoặc tổ chức ngoài trời. Sách dành cho trẻ được đặt ở những nơi thuận tiện cho trẻ có thể nhìn thấy và lấy ra để tìm hiểu. Trong không gian đọc sách có những hình ảnh lý thú liên quan đến việc đọc sách để giúp trẻ yêu sách và thích đọc sách hơn.
* Giúp trẻ làm quen với việc đọc sách
Bên cạnh những giờ học hát, học múa, học vẽ... giáo viên các lớp đã quan tâm tổ chức hoạt động đọc sách cho trẻ từ đó dần tạo nề nếp "đọc" sách theo nhóm, theo lớp tùy theo điều kiện lớp. Việc tổ chức linh hoạt, sáng tạo các hoạt động phát triển hứng thú đọc sách cho trẻ mầm non. Khi các bé có cơ hội kể lại các tình tiết chuyện đã nghe, đóng vai nhân vật trong truyện... sẽ làm cho bé có đời sống phong phú hơn từ đó giúp bé phát triển toàn diện hơn. Việc đọc sách, nghe đọc sách khiến trẻ mầm non tập trung hơn đồng thời được rèn luyện tính kỷ luật, tăng cường khả năng ghi nhớ.
* Chuẩn bị tâm thế cho trẻ từ mầm non sang tiểu học
Thư viện rất cần thiết cho việc nuôi dưỡng thói quen đọc, khả năng khám phá của trẻ và thúc đẩy sự sẵn sàng học tập cũng như sự chuyển tiếp từ mầm non sang cấp tiểu học. Các hoạt động tại thư viện giúp trẻ làm quen với văn hóa đọc, hỗ trợ phát triển ngôn ngữ và tăng khả năng ghi nhớ mặt chữ.
* Gắn kết giữa nhà trường với gia đình
Các hoạt động ngoại khóa như ngày hội đọc sách có sự kết hợp với phụ huynh cũng góp phần tích cực để hình thành và phát triển văn hóa đọc cho trẻ. Muốn phát triển văn hóa đọc cho trẻ, các trường mầm non rất cần sự chung tay của phụ huynh, trong đó phụ huynh phải duy trì việc đọc sách thường xuyên cùng trẻ ở nhà. Việc tạo không gian cho trẻ làm quen với sách đã tạo nên phong trào văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ trong Nhà trường. Trẻ có khả năng lựa chọn sách, kỹ năng đọc và lĩnh hội sách cũng như cách thức ứng xử với sách là sự thể hiện rõ ràng nhất đặc điểm tâm lý và nhân cách của mỗi trẻ được hình thành từ lứa tuổi ấu thơ và phát triển trong suốt cuộc đời. Đây cũng là động lực lôi cuốn phụ huynh hưởng ứng phong trào đọc sách và tiếp tục đóng góp nhiều cuốn sách hay cho nhà trường.
Những cuốn sách xinh xắn, những câu chuyện sinh động hấp dẫn đầu tiên đến với trẻ như một đồ chơi đặc biệt. Trong quá trình tương tác với sách, trẻ được hoạt động, được nghe và tập kể lại những câu chuyện thú vị. Và đọc sẽ trở thành nhu cầu tự nhiên của đứa trẻ. Dần dần tình yêu với sách, thích đọc sách, ham đọc, văn hoá đọc được hình thành.
Lứa tuổi mầm non là thời kỳ khởi đầu rất quan trọng đối với sự phát triển của con người. Xây dựng và bồi dưỡng cho trẻ em những thói quen tốt đẹp đồng nghĩa với việc giúp trẻ em ích lũy một nguồn vốn về tri thức. Tạo dựng thói quen đọc sách và yêu sách là một việc làm quan trọng của gia đình, nhà trường và toàn xã hội để giúp trẻ có một nguồn vốn dồi dào cho việc hình thành và phát triển nhân cách.Vì thế gieo hạt mầm “văn hoá đọc sách” cho trẻ mầm non là hướng đi đúng đắn, thiết thực để đặt nền tảng cho văn hoá đọc của mỗi người đồng thời hướng đến xã hội học tập trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay.