BÀI TUYÊN TRUYỀN CÁC CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
SUY DINH DƯỠNG, THỪA CÂN BÉO PHÌ CHO TRẺ
“Dinh dưỡng” là một trong những yếu tố không thể thiếu đối với mỗi cơ
thể của chúng ta. Chính vì thế mà dinh dưỡng luôn luôn là một vấn đề nóng và
là mối quan tâm lớn của toàn xã hội hiện nay. Đặc biệt đối với trẻ mầm non cơ
thể trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý
là rất cần thiết giúp cho cơ thể trẻ phát triển cân đối, hài hòa, khoẻ mạnh, trẻ
tích cực vận động, tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh, thúc đẩy sự phát triển
của trí não. Từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt, là tiền đề cho sự phát
triển sau này của trẻ. Ngày nay, chúng ta đang nỗ lực phấn đấu dành những gì
tốt đẹp nhất cho trẻ em. Bỡi vì trẻ em hôm nay chính là thế giới ngày mai. Để
thế hệ trẻ sau này được khỏe mạnh, thông minh, chủ động, sáng tạo, có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại
hóa thì đó chính là nhờ vào việc nuôi dưỡng chăm sóc trẻ tại các gia đình, các
cơ sở giáo dục trẻ và sự chung tay của toàn xã hội
Trong năm học 2023-2024, tôi được phân công dạy lớp nhà trẻ 24-36 tháng. Thông qua việc cân đo khám sức khỏe đầu năm. Tôi thấy, lớp tôi vẫn còn nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng. Cũng thông qua tổng hợp cân đo đầu năm nhà trường vẫn còn trẻ bị thừa cân, béo phì. Suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì ở trẻ gây ra nhiều hậu quả xấu ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, ngoài ra còn để lại nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành. Vậy làm thế nào để cải thiện tình trang suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì ở trẻ.
Và sau đây là một số biện pháp phù hợp để điều chỉnh cho các các con mà nhà trường và lớp đã áp dụng có hiệu quả muốn chia sẻ muốn phụ huynh cần lưu ý:
1. Đối với các trường hợp trẻ bị thừa cân, béo phì, phụ huynh cần lưu ý:
1.1. Xây dựng chế độ ăn khoa học, loại trừ các thực phẩm gây thừa cân
- Cho trẻ ăn đúng giờ, không bỏ bữa, nhất là bữa ăn sáng và hạn chế ăn sau 20 giờ tối.
- Ăn nhiều vào bữa sáng, bữa trưa và giảm ăn vào bữa tối.
- Không cho trẻ ăn quá nhiều, lượng thực phẩm mỗi bữa ăn phải phù hợp với tuổi. Nên cho trẻ ăn đủ các bữa trong ngày, không bỏ bữa và không để trẻ quá đói, vì nếu quá đói trẻ sẽ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn.
- Cho trẻ uống sữa tươi không đường hoặc sữa tươi đã được tách béo và giàu canxi.
- Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh.
- Hạn chế các món rán, xào, nên cho trẻ ăn các món luộc, hấp và kho.
- Hạn chế cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga và các loại nước có nhiều đường.
- Khi chế biến đồ ăn cho trẻ tránh cho nhiều dầu mỡ, đường, bơ không cần thiết
1.2. Xây dựng môi trường vận động cho trẻ
Việc khuyến khích trẻ vận động giúp trẻ giảm tình trạng nặng nề do béo phì gây ra. Phụ huynh nên thường xuyên tổ chức cho trẻ tham gia các trò vận động như : đá bóng, đạp xe, bơi lội
Ngoài ra phụ huynh có thể hướng dẫn con làm các công việc nhà như xách nước tưới cây, dọn nhà, quét nhà, rửa chén..phù hợp với độ tuổi để hạn chế tình trạng trẻ ngồi một chỗ xem tivi, xem điện thoại, chơi game...
1.3. Khám sức khỏe tổng quát cho trẻ định kỳ hàng năm
Phụ huynh thường xuyên theo dõi sự thay đổi cân nặng, chiều cao của trẻ để có sự can thiệp sớm khi thấy trẻ tăng cân đột ngột.
Nên cho trẻ khám định kỳ 2 lần/1năm để theo dõi các chỉ số về cân nặng, thiếu thừa chất dinh dưỡng của trẻ để bổ sung cho hợp lý. Hơn nữa, với trẻ đã có biểu hiện béo phì phụ huynh cần cho trẻ kiểm tra hàng tháng để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với nhu cầu lứa tuổi của trẻ.
2. Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng phụ huynh cần lưu ý:
- Xây dựng chế độ ăn khoa học, bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho trẻ
- Cân đối giữa năng lượng ăn vào và tiêu hao trong mỗi bữa ăn của trẻ. Vì vậy phụ huynh không nên cho trẻ ăn quá no hoặc quá đói. Hơn nữa cân đối giữa thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật.
- Bữa ăn phải đạt yêu cầu dinh dưỡng: Bữa ăn của trẻ phải đủ 4 nhóm chất: tinh bột(cơm, mì, bún, phở...), chất béo(dầu, mỡ..), chất đạm(thịt, cá, tôm, cua, trứng...) và chất xơ, vitamin(rau, củ, quả..) Đặc biệt phụ huynh nên thay đổi thường xuyên món ăn để trẻ hứng thú, ăn ngon miệng hơn và không bị chán ăn.
- Thức ăn của trẻ phụ huynh cần nấu kỹ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không nên cho trẻ ăn thức ăn đã để qua ngày
- Theo dõi khả năng ăn của trẻ, để từ đó biết cách bổ sung các chất còn thiếu vào bữa ăn cho trẻ, đảm bảo trẻ luôn được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Và bữa ăn của trẻ nên thay đổi theo mùa, theo khẩu vị của trẻ để trẻ ăn ngon miệng
- Có thể bổ sung thêm sữa dinh dưỡng cho trẻ. Lựa chọn loại sữa có năng lượngcao để cải thiện cân nặng của trẻ.
- Bên cạnh đó phụ huynh cũng cần tạo môi trường cho trẻ vận động. Hoặc phụ huynh có thểhướng dẫn trẻ làm một số công việc trong nhà như: lau bàn, gập quần áo, nhặt rau phù hợp theo độ tuổi… qua đó giúp trẻ tiêu hao năng lượng, chóng đói và thèm ăn hơn việc trẻ chỉ ngồi một chỗ
- Phụ huynh cần khám và cân đo sức khỏe định kỳ cho trẻ, thực hiện tiêm chủng đầy đủ phòng dịch bệnh cho trẻ. Khám định kỳ tổng quát một năm 1-2 lần để kiểm tra và phân loại sức khỏe của trẻ theo biểu đồ tăng trưởng để phụ huynh có chế độ chăm sóc phù hợp.
Trên đây, là một số biện pháp về chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì ở lứa tuổi mầm non mà tôi đã áp dụng tại lớp có hiệu quả và những chia sẻ với phụ huynh. Rất mong phụ huynh có thể phối hợp cùng cô để điều chỉnh chế độ ăn của trẻ sao cho phù hợp, chú ý sát sao hơn giúp bé phát triển tốt nhất về thể chất và trí tuệ. Làm giảm thiểu tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng và trẻ thừa cân béo phì.
Tác giả bài viết: Giáo viên Hoàng Thị Mùi